Ngày nay, các tật khúc xạ như cận, viễn, loạn thị ngày càng phổ biến hơn, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh. Những tật khúc xạ này tuy không ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe nhưng lại gây nhiều bất tiện trong việc học tập, vui chơi, và sinh hoạt hằng ngày của chúng ta đấy. Vậy cận, viễn, loạn thị khác nhau như thế nào? Ngăn ngừa và điều trị chúng ra sao?
Phân biệt cận thị, loạn thị và viễn thị như thế nào?
Cận, viễn và loạn thị là ba dạng tật khúc xạ của mắt. Đặc điểm chung của cả ba là thị lực kém, hay mỏi mắt, nhức đầu, phải nheo mắt khi nhìn nếu không đeo kính. Cách phân biệt đơn giản nhất chính là dựa trên triệu chứng của từng loại:
- – Cận thị: nhìn gần rõ nhưng nhìn xa kém. Không có khả năng phân biệt được chữ số và khuôn mặt ở xa, phải đến gần để nhìn rõ. Đây là tật khúc xạ phổ biến nhất của học sinh.
- – Viễn thị: nhìn xa tốt hơn nhìn gần. Nếu tình trạng nặng thì nhìn kém cả ở khoảng cách gần lẫn xa, dễ mỏi mắt khi làm việc lâu. Viễn thị thường xảy ra ở người cao tuổi.
- – Loạn thị: nhìn xa hay nhìn gần đều không rõ, thấy vật thể bị mờ và biến dạng. Người bị loạn thị thường nghiêng đầu để nhìn cho rõ. Loạn thị thường đi kèm với cận thị và viễn thị.
Cách cải thiện và ngăn ngừa tật khúc xạ
Nếu chẳng may mắc phải, hoặc muốn phòng ngừa các tật khúc xạ thì sao? Rất đơn giản, chúng ta hãy tập những thói quen sau nhé:
1. Đeo kính điều trị
Giúp tránh tăng độ và phòng ngừa các tác nhân gây hại cho mắt như: tia UV, khói bụi,…
2. Để mắt được “tắm nắng”
Mỗi ngày, hãy để nắng sớm chiếu vào mắt trong khi bạn đang nhắm mắt và hít thở sâu trong 2-3 phút.
3. Thư giãn mắt
Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho thật ấm, sau đó nhẹ nhàng đặt lên đôi mắt đang nhắm và thư giãn.
4. Không đọc khi đi tàu, xe
Cường độ rung lắc của tàu, xe khi chạy sẽ khiến mắt phải tăng cường điều tiết để đọc hơn bình thường rất nhiều lần.
5. Cải thiện chế độ ăn uống
Bổ sung nhiều thực phẩm chứa các Vitamin A, E, C như cà rốt, trứng, cá, đậu, và các loại rau quả có màu xanh, đỏ, cam đậm.
6. Hạn chế hoạt động mắt liên tục
Sau khi sử dụng máy tính hay đọc sách 10 phút, hãy để mắt nghỉ ngơi 10 phút và nhìn ra xa để thư giãn.
7. Tập các bài tập tăng cường thị lực
Thường xuyên thực hiện các bài tập cho mắt như: nhắm mắt và di chuyển tròng mắt theo chiều kim đồng hồ, tập nhìn vào một điểm, hoặc tập nhìn các vật thể gần xa khác nhau.
8. Khám mắt định kỳ
Đến phòng khám định kỳ để được các bác sĩ chuyên khoa khám hay theo dõi các tật khúc xạ và được tư vấn nếu gặp những vấn đề về mắt.